Miễn Thị Thực Tại Việt Nam
Về cấp thị thực tại Việt Nam, có những trường hợp sẽ được cấp giấy miễn thị thực.
THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY MIỄN THỊ THỰC
Hồ sơ xin cấp Giấy miễn thị thực có thể nộp trực tiếp tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco hoặc gửi qua đường bưu điện.
1. Đối tượng được xét cấp Giấy miễn thị thực gồm: người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam và người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Giấy miễn thị thực có giá trị dài nhất là 5 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu hoặc giấy tờ cư trú do nước ngoài cấp là 06 tháng.
Người nhập cảnh Việt Nam bằng Giấy miễn thị thực được tạm trú không quá 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh, nếu có nhu cầu ở lại quá 90 ngày, được bảo lãnh và có lý do chính đáng thì được xem xét gia hạn tạm trú, mỗi lần không quá không quá 90 ngày.
2. Đối với người Việt Nam định cư tại nước ngoài, hồ sơ gồm:
a) 01 Tờ khai: Người đề nghị cấp Giấy miễn thị thực cần khai Tờ khai trực tuyến và in Tờ khai ra.
b) Hộ chiếu (Passport) nước ngoài, hoặc trường hợp không có hộ chiếu thì nộp giấy tờ cư trú do nước ngoài cấp như Re-entry Permit hoặc Green Card để thay thế: Xuất trình (hoặc gửi) bản chính, nộp 01 bản sao để lưu hồ sơ. Hộ chiếu hoặc giấy tờ cư trú phải còn giá trị ít nhất là 09 tháng.
c) Hai (02) ảnh (hình) màu, mới chụp, cỡ 4cm x6cm ( hoặc 2 inches x 2 inches), phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, không đeo kính màu, không đội mũ): 01 tấm ảnh dán vào Tờ khai, 01 tấm ảnh ghim hoặc đính kèm Tờ khai.
d) Giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Xuất trình (hoặc gửi) bản chính, nộp 01 bản sao để lưu hồ sơ một trong các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam;
- Bản sao hoặc bản trích lục Quyết định cho trở lại/ cho thôi quốc tịch Việt Nam;
- Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam;
- Giấy khai sinh;
- Thẻ cử tri mới nhất;
- Hộ chiếu Việt Nam đã hết giá trị sử dụng (người có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng không thuộc đối tượng cấp Giấy miễn thị thực);
- Giấy chứng minh nhân dân (còn hoặc đó hết giá trị);
- Sổ hộ khẩu;
- Sổ thông hành cấp trước 1975 hoặc Thẻ căn cước cấp trước 1975;
- Tờ trích lục Bộ Giấy khai sanh cấp trước 1975;
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi người được cấp giấy tờ đó có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam.
e) Trong trường hợp không có các giấy tờ ở khoản (d), đương đơn có thể nộp một trong những giấy tờ sau:
- Giấy bảo lãnh của Hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài ;
- Giấy bảo lãnh của công dân Việt Nam. Công dận Việt Nam bảo lãnh phải là người đang có quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam hoặc Giấy Chứng minh nhân dân Việt Nam còn giá trị. Nộp kèm theo bản chụp hộ chiếu Việt Nam hoặc Chứng minh thư nhân dân Việt Nam.
Hai loại Giấy bảo lãnh này không cần phải có thủ tục xác nhận hoặc chứng thực thêm.
3. Đối với người nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hồ sơ gồm:
a) Một Tờ khai: Người đề nghị cấp Giấy miễn thị thực cần khai Tờ khai trực tuyến và in Tờ khai ra.
b) Hai (02) ảnh (hình) màu, mới chụp, cỡ 4cm x6cm ( hoặc 2 inches x2 inches), phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, không đeo kính màu, không đội mũ): 01 tấm ảnh dán vào Tờ khai, 01 tấm ảnh ghim hoặc đính kèm Tờ khai.
c) Hộ chiếu của nước ngoài: Xuất trình (hoặc gửi) bản chính, nộp 01 bản sao để lưu hồ sơ. Hộ chiếu phải còn giá trị ít nhất là 09 tháng
d) Xuất trình (hoặcgửi) bản chính, nộp 01 bản sao để lưu hồ sơ một trong các giấy tờ sau để chứng minh mối quan hệ là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc của người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ:
- Giấy đăng kí kết hôn (kèm bản chụp hộ chiếu hoặc thẻ ID củavợ/chồng để chứng minh là công dân Việt Nam hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài),
- Giấy khai sinh (kèm bản chụp hộ chiếu hoặc thẻ ID của bố mẹ để chứng minh bố/mẹ là công dân Việt Nam hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài)
- Giấy xác nhận quan hệ cha, mẹ, con (kèm bản chụp hộ chiếu hoặc thẻ ID của bố mẹ để chứng minh bố/mẹ là công dân Việt Nam hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài)
- Các giấy tờ có giá trị khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Quyết định nuôi con nuôi.
4. Lệ phí: có thể trả bằng tiền mặt nếu hồ sơ được nộp trực tiếp; hoặc bằng Money Order, Cashier’s Check hoặc Certified Check cho “Vietnam Consulate” nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện.
Nếu muốn nhận kết quả qua đường bưu điện, Quý vị cần gửi kèm theo 01 bì thư đảm bảo (certified mail) có ghi rõ địa chỉ người nhận và đã trả cước phí. Để tránh mất mát trong quá trình vận chuyển, đề nghị Quý vị sử dụng các dịch vụ chuyển phát bảo đảm của UPS hoặc Fedex và ghi lại tracking number để theo dõi việc chuyển phát thư. Tổng lãnh sự quán không chịu trách nhiệm trong trường hợp hồ sơ của Quý vị bị thất lạc do Quý vị dùng bì thư không đảm bảo.
5. Việc cấp lại, cấp lần 2 Giấy miễn thị thực:
Trường hợp xin cấp lại Giấy miễn thị thực (do mất Giấy miễn thị thực, Giấy miễn thị thực hết giá trị hoặc được cấp hộ chiếu mới) mà Tổng lãnh sự quán đã cấp, người đề nghị chỉ cần làm một Tờ khai, không cần xuất trình giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trường hợp xin cấp lại Giấy miễn thị thực do cơ quan đại diện khác cấp, người đề nghị cần nộp hồ sơ như cấp lần đầu.